17/12/12

37 mùa đông

37 mùa đông, vẫn ấm!



Trong những ngày này, em quá bận để có thể tổ chức cho anh một sinh nhật hoành tráng như em muốn

Cô giáo về bản

   Trưa thứ Bảy sếp hỏi chủ tịch công đoàn: "Tập đến đâu rồi?". Chủ tịch giật thót, nhớ ra là thứ Năm Liên hoan "Hát dưới mái trường thân yêu". Còn 3 ngày tập thế nào được một chương trình 10 phút đây? Thuê đạo diễn sếp bảo lãng phí, với lại đến giờ này làm gì có ông đạo diễn nào dám nhận lời dàn dựng. Sếp bảo tập lại bài truyền thống của trường cho nhanh. Mình bảo chủ tịch: "Bài ấy trẻ con quá. Chị nghiên cứu chọn bài khác đi".

Trẻ con - Người lớn

    Một ngày trong những ngày đầu năm học, đâu đâu cũng nóng bỏng các chủ đề có liên quan đến giáo dục. Chuyện của các ngôi trường điểm với những học trò vip, phụ huynh vip được trở thành hình ảnh đại diện của toàn ngành. Cô Mai bước vào phòng hội đồng khi cuộc thảo luận về cô Hà Thị Thu Thủy đang rộ. Buổi sáng trong cô bỗng chùng xuống, cô Thủy quá nhỏ bé và yếu ớt trước bầy sói vô tâm. Không biết liệu cô Thủy có thể đứng lên sau vụ "hiếp dâm tập thể" đó.

Báo cáo tháng 9 (bổ sung)


    Thứ Bảy một mình:
    Dọn nhà xong, em mở blog viết báo cáo bổ sung:
    Mấy ngày vừa rồi em quá bận. Đêm qua cũng vậy, hơn 1h em mới được ngủ dù ... không ai quấy rầy gì em (em nói thật đấy!). Sáng em tỉnh dậy đã hơn 6h. Em quáng quàng gào con, gọi chồng. Chồng em chẳng hơn gì em. Nghe tiếng em, chàng mở mắt ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Trường con gái em hôm nay tổ chức đón trung thu hoành tráng lắm. Em đưa con đến trường lòng hân hoan háo hức, dự định sẽ chụp thật nhiều ảnh. Vậy mà mới đến cổng con bé đã khóc ha hả đòi về nhà với mẹ. Dỗ không được đành trao con cho cô. Mỗi sáng bị đưa đến trường, chỉ khi không còn nhìn thấy em con bé mới nín khóc. Em nấp ở phía sau rình mò chụp ảnh nhưng con bé cứ dáo dác tìm, em đành tiu nghỉu đi về.

Tổng kết tháng 9

      Thôi thế là sắp hết tháng 9 - Nhìn lại gần một tháng qua em thấy mình làm quá nhiều mà ăn thì vô cùng kham khổ. Chồng nhìn em lắc đầu: " Sao em khổ thế nhỉ!". Ừ, em thấy mình quá khổ! Nghỉ hè em thấy quần áo co lại dần nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng khi đứng lên bàn cân: 51,5 kg. Chết em rồi! Em phải giảm đi ít nhất 1,5kg. Phụ nữ chúng em toàn mặc đồ bó sát. Hễ tăng cân chút trông sẽ như con sâu đo ngay. Thế là em bắt đầu lao vào công việc cộng với đày đọa mình để giảm cân. Đàn ông bụng phệ núng na núng nính họ chẳng sợ, họ còn mải lo sự nghiệp, lo kiếm tiền hay vì một lý tưởng sống nào đó. Còn em mấy tháng nay không dám ăn bát cơm thứ hai. Có bữa ăn xong một bát em ăn thêm rau chấm mắm cho đỡ thèm. Em đúng là đàn bà, chẳng biết quan tâm đến cái gì ngoài số đo 3 vòng. Nhưng mờ em muốn mình đẹp hơn cũng là để đàn ông có mục đích phấn đấu.

Tổng kết hè 2012

   Thu về thật rồi! Nên dù nắng cố tỏ ra đanh đá, chỏng chảnh cũng chỉ được vài hôm. Rồi cái mát dịu của đêm lại ấp ôm ta từng giấc ngủ. Rồi cái hanh hanh của gió lại se se trên môi trên má ta.

Nhật ký của mẹ

Con gái! Nếu bây giờ mẹ hỏi:
 "Bao giờ con hiểu những lời của mẹ?".
Chắc chắn câu trả lời của con sẽ là: "Ngày mai mẹ ạ!".
Mẹ biết "ngày mai" của con còn lâu lắm. Nhưng mẹ sẽ chờ ...



Có một bài ca không bao giờ quên

"Anh đã ngủ yên rồi trong trái đất ngủ yên
Chỉ còn nỗi nhớ thương là vẫn thức... "

... Ai về cùng Sapa

     Tôi nhận công văn đi Lào Cai với tâm lý muốn trốn chạy. Lãnh đạo bảo: " Không say xe lắm đâu. Hơn 200km đường cua tay áo thôi" Tôi say tâm lý ngay từ hôm ấy nhưng tôi vẫn đi. Tôi không thể đầu hàng dễ thế được.
       Chúng tôi qua đoạn đường Hải Phòng - Phú Thọ trong niềm hân hoan, háo hức. Mọi người hát hò, vỗ tay, cười đùa... Nhưng đến những khúc cua đầu tiên nhiều người đã không chịu nổi. Biết là cua tay áo rồi nhưng sao tay áo ở đây lại ngắn thế được. Tôi nghe lời anh tài xế nằm ngả áp lưng vào ghế thật vững, thả lỏng cơ thể, nhắm mắt lại và nghe mọi người hát karaoke. Tôi hơi choáng một lúc, rồi tôi quen dần với những khúc cua... Qua khoảng hơn 50km  thì tôi có thể mở mắt ra, thỏa sức ngắm nhìn những rừng cọ đồi chè của vùng cao...

Tôi cảm nhận

   Tôi đặt nhẹ nhàng những bước chân quen thuộc qua các khu nhà của bệnh viện Việt _Tiệp. Không ai muốn quen bước ở nơi đây, tôi cũng vậy. Nhưng hơn 30 năm lớn lên và đang bắt đầu già đi trên thành phố này, tôi không còn nhớ mình đã vào đây bao nhiêu lần, chỉ biết là nhiều lắm rồi. Với ai đó bệnh viện là nơi có những mất mát lớn, những đau đớn tột cùng, những lo lắng và những sẻ chia chăm sóc... Tôi thì khác hơn. Bởi không chỉ có vậy, những yêu thương của tôi cũng bắt đầu từ đây. Và vì thế, tôi thấy thân thiện hơn với bệnh viện, cảm tình hơn với các y bác sĩ.
   Đang háo hức tiến về phòng bệnh của người bạn sắp ra viện, tôi bất chợt thoáng thấy một bóng áo trắng quen... Anh cười: Lại vào viện hả em? Tôi bước chậm lại, không nói, chỉ hơi cúi và cười - như điệu cười với anh trong lần gặp cuối cùng vài tháng trước.
   Anh là trưởng phòng bệnh nên chúng tôi gặp riêng anh cảm ơn và nhờ anh giúp đỡ trong thời gian người nhà tôi điều trị. Tôi ấn tượng với anh ngay từ lần gặp đầu tiên ấy. Nhìn anh đẹp và thông minh như những bác sĩ trong phim Hàn. Lời nói, cử chỉ và ánh mắt anh đều ân cần, quan tâm. Anh cho tôi cảm giác tự tin trước anh, bệnh nhân của anh không phải co dúm, lắp bắp như với nhiều bác sĩ khác. Anh luôn bước vào phòng bệnh với bước chân nhanh nhẹn. Anh hay cười và nhìn vào mắt người anh đang nói chuyện. Đó là điều tôi thích nhất ở anh.
    Chúng tôi phải đưa người nhà lên HN vì tình trạng bệnh không tiến triển tốt. Chúng tôi lại gặp riêng anh cảm ơn anh đã quan tâm và nhờ anh cho chuyển viện vào ngày thứ Bảy. Anh nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi. Anh hướng dẫn chúng tôi phải làm những gì và làm như thế nào. Chúng tôi làm theo lời anh và việc chuyển viện không có gì khó khăn cả. Mợ tôi bảo: "Ông này tốt tính và nhiệt tình lắm". Tôi thì nghĩ giá bác sĩ nào cũng như anh thì bệnh viện Việt Nam chẳng khác nào bệnh viện Hàn Quốc.
   Tôi đến nhận giấy chuyển bảo hiểm theo lời hẹn của anh vào sáng thứ hai tuần sau đó. Tôi gặp anh ở chân cầu thang. Anh vẫn nói chuyện với tôi với điệu cười đẹp và thân thiện. Đây là lần đầu tiên tôi một mình đến gặp anh, nói với anh nhiều câu hơn và càng thấy ấn tượng với anh hơn. Anh bảo: "Em đến sớm thế. Vào phòng chờ anh, giao ban xong anh làm cho em". Tôi không vào phòng mà tha thẩn ra ghế đá ngồi, nhớ miên man những kỷ niệm thời yêu đương của tôi ở đây.
    Hết giờ giao ban tôi vào phòng gặp anh. Anh hỏi vài thông tin về tôi và tình trạng người nhà tôi, sau đó anh bảo tôi sang phòng anh đợi anh. Tôi không sang phòng anh mà đứng ở ngoài chờ. Tôi thấy anh đi đâu đó, một lúc sau anh quay lại rồi lại đi... Tôi hơi nóng ruột vì chờ lâu và bắt đầu thấy có gì đó ... quen quen.
    Nhưng tôi vẫn chờ ...
   Khoảng hơn 10h anh về phòng, nói chuyện đùa vui với đồng nghiệp của anh. Tôi lại vào hỏi: "Anh đã giúp em được chưa ạ?". Anh bảo đợi anh rồi anh gọi một cô điều dưỡng: "Em cầm cái này xuống làm thủ tục chuyển bảo hiểm giúp anh".
Rồi anh bảo tôi:
- Em sang phòng anh, anh nói chuyện một lát.
Tôi theo anh vào phòng. Anh mời tôi ngồi và anh bắt đầu nói chuyện:
- Anh giúp gia đình em thế này là trái phép đấy. Bình thường chuyển viện vào thứ Bảy thì không chuyển bảo hiểm được đâu...
    Anh còn nói vài câu nữa, đủ để tôi hiểu mình cần phải làm gì. Tôi lấy ra cái phong bì đã chuẩn bị trước định sẽ gặp riêng anh để anh làm nhanh giúp. Nhưng vì "15 phút trong ngày" của tôi lại đến vào đúng thời điểm nhạy cảm nhất, khi đó tôi muốn ... thử cảm nhận của mình.
    Tôi đặt phong bì lên bàn, nhìn thẳng vào mắt anh nói lời cảm ơn. Anh xua tay, cười thân thiện:
    - Anh giúp em hoàn toàn vô tư. Anh không nhận cái này đâu.

   Còn tôi cười nhẹ tênh và bước ra. Cái phong bì vẫn ở trên bàn...

Mỗi sớm mai thức dậy



    "Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy! Tôi có thêm một ngày mới để yêu thương!"
   Câu nói ấy tôi vẫn nghe ở đâu đó trong đời. Và từ lúc nào đó, nó trở thành một niềm lạc quan, một niềm hứng khởi cho ngày mới. Để rồi, mỗi sớm mai của tôi, dù chỉ bắt đầu với khung cảnh rất đỗi thân thuộc và bình dị, cũng lãng mạn như bình minh trên biển ...


     Hiếm có một ngày hè tôi thức dậy khi mặt trời chưa lên. Giấc ngủ của tôi đến muộn hơn hàng xóm vài giờ bởi công việc, bởi sở thích và thói quen. Nên mỗi sáng khi tôi mở cửa mặt trời đã soi vào phòng khách, mọi người đã đi tập thể dục về...
     Nhưng hôm nay tôi chăm chỉ hơn ...
    Trời vẫn hơi tối! Hàng xóm của tôi còn ngủ yên nhưng cây bàng đã thức giấc, lay lay khoe những tán lá đang xanh thì con gái... Mặt trời e ấp sau mấy gợn mây. Chỉ vài phút nữa thôi là tia nắng non nớt đầu tiên sẽ hớn hở nhảy nhót trên tàu dừa. Và tiếng còi tàu sẽ xé toang màn sương mờ ảo, đánh thức xóm làng, giục giã người thân của tôi bắt đầu một ngày mới!


      Tôi thích đứng ở đây mỗi sớm để được hít thật sâu hơi ẩm man mát của sương mai. Tôi muốn cảm giác sung sướng khi được hưởng khoảnh khắc bình yên hiếm có trong một ngày của phố cảng. Con đường phía trước đã lác đác những chuyến hàng sớm, chỉ lát nữa thôi lại tấp nập người xe. Bao nhiêu chiếc xe qua đây mỗi ngày sao vẫn thấy thân quen. Một ngày vắng nhà tôi nhớ lắm nơi tôi đang đứng, nhớ con đường phía trước, nhớ những cụ già chống gậy hàng ngày đi chợ qua ...


    Đứng ở đây cũng thấy thành phố của tôi phát triển như thế nào. Những chuyến xe hàng đổ về Hải Phòng hầu hết đều đi qua đây. Mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày ... mật độ xe càng đông hơn. Nhiều khi đang đêm tôi giật mình tỉnh giấc vì tiếng còi xe. Kể ra có đôi lúc cũng thấy hơi bực mình thật. Nhưng khi điều đó đã thân quen như bữa cơm hàng ngày thì lại khó mà chịu nổi những lúc vắng. Cũng như tiếng con tàu xình xịch chạy qua xóm mỗi ngày, nếu thiếu đi, một ngày của tôi sẽ thiếu!


    Phượng đem mùa hè đến xóm tôi muộn hơn nên giờ vẫn còn đỏ một góc đường. Mỗi sáng tỉnh giấc tôi đã quen nhìn về phía ấy. Ở đó có những xúc cảm không quên của tôi một thời cắp sách _ những xúc cảm đã từng nhuộm đỏ ước mơ tôi ... và theo tôi đến bây giờ, cùng ước mơ của mỗi lớp học trò...


Sớm mai của tôi ...

Mát lành ...

Trong trẻo ...

Tháng Năm


   Từ lâu lắm, mỗi sáng đến trường ta vẫn giữ thói quen chờ bông phượng đầu mùa thức giấc. Giấc ngủ của phượng dài lắm, dài mà tĩnh lặng đến lãng quên, để rồi khi thức giấc tiếng cựa mình làm ta như choàng tỉnh. Cây phượng bên cổng trường sáng nay đã bung những chấm đỏ đầu tiên, điểm xuyết trên khung trời xanh ngắt, để rồi từ đây những con bướm phượng sẽ làm hồng thêm trang sách. Và ta lại chạm vào những ngày tháng hạ ...

"Rồi cũng đến một tháng Năm cháy đỏ
Đừng đốt lòng ta vòm phượng dấu yêu ơi
Ta níu giữ một màu xanh thương nhớ
Tiếng ve ran xao xác cả khung trời

Lớp học cũ thân thương vòm lá rủ
Tiếng trống trường khắc khoải những âu lo
Góc bảng đen bụi phấn dày lớp phủ
Tự hỏi lòng sao ngày tháng trôi mau

Rồi cũng đến một tháng Năm gay gắt
Hoa như mưa trên áo trắng học trò
Lời cô giảng lắng sâu đáy mắt
Cô hiểu chúng mình ... đã bớt vô tư ..."

    Tháng Năm ngơ ngẩn theo ta vào lớp học. Tháng Năm chao nghiêng trong mắt học trò. Nhìn vào những đôi mắt ấy, ta thấy ngập tràn tâm hồn ta một thuở. Chỉ vài ngày nữa thôi những đôi mắt tròn xinh kia sẽ rời xa khung trời này. Các em rồi cũng như ta, ngày càng xa sự khởi đầu, xa những vùng chảy êm đềm của dòng sông thơ ấu, để đến với đại dương bao la rộng, mênh mông dài và những chiều sâu thăm thẳm.
    Bất đồ một cơn gió nóng của mùa hạ vút qua mang theo cơn bão lá đáp xuống sân trường. Những chiếc lá nhỏ xinh bay xa hơn các bạn của chúng ... xoay xoay ... rơi nhẹ lên khung cửa sổ lớp học. Có kẻ bất giác nhớ một thời ôm cặp sách bồi hồi trong sân trường ngày chia tay. Kẻ đó đã khóc nức nở trong vòng tay ôm của bè bạn. Rồi giờ đây, mỗi mùa hè đến kẻ mít ướt ấy lại giang tay ôm lấy những cô cậu học trò mắt đỏ hoe.
     Nhưng trong nỗi buồn chia tay chứa chan niềm tin và hy vọng. Theo thời gian học trò của ta phải lớn lên. Mỗi hè sang các em có thêm một tuổi phượng hồng, không thể mãi mãi nũng nịu cha mẹ thầy cô, hay dỗi dằn vô cớ rồi lại quên ngay với bạn bè... Có thể các em sẽ thấy mình nhỏ bé vô cùng so với đại dương mênh mông kia, nhưng các em vẫn cứ hiện hữu. Tương lai đang vẫy gọi. Học trò của ta sẽ bước chân vào con đường mới, bằng những bước đi vững mạnh, bằng tài năng và nghị lực của bản thân... Còn ta sẽ đón lớp học trò mới, mở ra trang giáo án tinh khôi cho mùa thành công năm sau ...
     Học trò ơi! Nắng tháng Năm đang nồng lên bỏng cháy!

Thơ tình 1 ... 2 ... 3

Em đứng giữa ồn ào phố thị
Thấy người qua đường ai cũng giống anh
Trong hàng ngàn chiếc xe đang lao nhanh
Chiếc xe nào mang anh tới nơi em chờ đợi?

Em đứng giữa mùa hạ trong xanh vời vợi
Thấy nơi nào cũng giống màu áo anh
Trong những tán phượng chớm mùa chúm chím xanh
Tán phượng nào có tình yêu anh rực đỏ?

Em đứng giữa ngã tư giao những con đường nhỏ
Thấy dấu chân nào cũng giống dấu chân anh
Trong rất nhiều ngã rẽ xung quanh
Ngã rẽ nào anh chọn?

Em đứng giữa tầm những mũi tên sắc nhọn
Thấy mũi tên nào cũng mang tình yêu anh
Em vẫn đợi! Cho dù xác suất có mong manh
Bởi em đang ở giữa tận cùng tình yêu rất thật!

Ngày bình thường



    Những ngày bận rộn và căng thẳng đã lùi về sau ta. Thật may chúng kết thúc bằng một ngày tốt đẹp, như ý ta. Ta như sợi dây đang căng ... đứt phựt một cái ... lơ lửng ... bay về nhà ... rơi xuống ... nằm im trên sofa.
    Ta nhắm mắt mơ màng nghĩ lại những cuộc thi ta vừa mới trải qua. Thôi thế là xong hết cả rồi. Ta sẽ có nhiều thời gian hơn cho gia đình và cho học trò của ta. Tối nay ta sẽ rủ cả nhà về ngoại chơi, hình như lâu rồi các con ta không được về ngoại.
     Gió Đông Nam ru ta thiêm thiếp...
     Ta giật mình nghe tiếng con gái gọi: "Mẹ ơi nhìn kìa!". Chồng ta đã đón con gái về rồi. Trông kìa, con bé ở nhà với bà nội chắc nô nghịch nhiều rối hết tóc rồi.


    Ta nhìn theo tay con gái, giàn Mành Mành đang thả những sợi tơ hồng đu đưa theo gió. Ừ nhỉ! Mới có mấy ngày ta thờ ơ mà giàn cây lan nhanh quá. Ta thích những giàn dây leo nên chồng ta trồng một giàn Hoa Ti Gôn và hoa Pháo trên sân thượng, hai loài hoa ấy rất đẹp nhưng rụng nhiều xác lá. Trên ấy nắng nóng quá cây không thể tươi tốt quanh năm. Lần này ta và anh kỳ vọng rất nhiều vào giàn Mành Mành. Cuối tuần nào anh cũng trèo lên sắp xếp cho chúng leo đúng trật tự. Ta mong chờ từng sợi tơ hồng buông xuống...


     Ta dắt tay con gái chạy lên sân thượng. Mỗi chiều ta vẫn đứng trên ấy cho gió thỏa sức mơn man những mỏi mệt, xoa dịu những nét cau có trên mặt ta. Ta thích được đứng đó nhìn hàng xóm của ta đi làm về, nhìn các ông bà đi bộ ra chợ mua đồ ăn. Các chị có con gái biết nấu cơm thì chiều chiều rủ nhau ra công viên thể dục.
     Xóm ta nhỏ, cả con đường cũng nhỏ. Những cây bàng bên đường mới tuần trước đâm chồi giờ đã mươn mướt xanh. Cây xoan bên bờ ao cứ đến tháng Ba lại bung những chùm bông trắng, pha vài cánh tím cho tháng Ba yêu thương hơn.Ta nhận ra tiếng bước chân của hàng xóm đi qua cổng, ta nhận ra những chiếc lá bị sâu tấn công trong đêm qua! Tất cả thân thương như đã gắn bó lâu lắm! Ừ, gần mười năm rồi còn gì!


     Một lúc sau nửa thế giới của ta đuổi nhau chạy lên theo. Thấy anh lên con bé nhảy tưng tưng hét: "Tàu kìa anh Đăng ơi, anh Đăng ơi!". Cu Đăng phun nước tung tóe ướt hết cả tóc em. Hai đứa giúp ta rửa sân mà làm ta mệt hơn. Ta thương các con ít có thời gian chơi cùng nhau, một lúc đùa nghịch như thế cũng hiếm có trong tuần.


    Trời gần tối rồi! Kệ cho mấy bố con chơi với nhau, ta đi chợ. Lại câu hỏi quen thuộc của ta mỗi chiều: Tối nay ăn gì? Ta tha thẩn qua nhiều quán mua rất nhiều thứ mà toàn thứ linh tinh. Một giờ sau, bữa tối của ta sẵn sàng với một món cả nhà thích và một món mình ta thích hihihi.
    Bữa tối hoành tráng của ta đây. Những món này trông đơn giản mà rất ngon đấy! Nhưng mờ ăn xong khát nước lắm!

Mình sai rồi sao?!

     Mình mơ màng nghe tiếng con gái gọi "Bố ơi!". Con bé gọi câu thứ hai mình mới tỉnh hẳn. Đầu mình nặng trĩu và đơ đơ, nhìn đồng hồ mình giật thót: "Anh ơi, 7 giờ rồi!". Mình bật dậy nhảy ra khỏi giường, bố mình đang bấm chuông ngoài cổng. Ông đi qua thấy im ắng lạ thường nên gọi. Thì ra con bé nghe tiếng chuông tỉnh giấc gọi bố.
     Một đêm dài khó ngủ. Thường chỉ rúc vào nách chồng một lúc là mình ngủ, nhưng đêm qua mình gối đầu lên tay chồng mà chỉ nghĩ đến anh. Ánh mắt lao đao mệt mỏi của anh ám ảnh mình suốt mấy hôm nay. Có lẽ mình đã sai thật rồi!
     Anh là bạn thân của mình. Mình không đo được mức độ thân như thế nào, chỉ biết rằng anh thường kể cho mình nghe chuyện đời, chuyện công việc và chuyện tình yêu của anh... Anh gọi mình mỗi khi anh cần sám hối điều gì đó và anh không sợ mình nhìn thấy sự yếu đuối hay suy sụp trong đôi mắt đầy bản lĩnh của anh. Anh nghe mình khuyên bảo và anh ngoan ngoãn làm theo như mình là quân sư vậy. Ừ! Mình đúng là quân sư của anh, nhưng lần này hình như quân sư đã quá vô tâm đẩy anh và chị (người anh yêu) vào những ngày tháng đau buồn.
     Anh hơn mình 4 tuổi, có một gia đình êm ấm và hai đứa con xinh. Chị lấy chồng cũng như không vì chồng chị đi xa chỉ một tuần sau ngày cưới. Chị một mình sống trong gia đình chồng giàu có và khắt khe. Ba năm không có con chị không thể tiếp tục sống trong gia đình ấy, dù bác sĩ không tìm ra nguyên nhân vô sinh ở chị. Hai người gặp nhau trong sinh nhật con trai mình, anh trở thành học trò còn chị là cô giáo Tiếng Anh. Hơn hai năm sau anh bảo mình: "Mai ơi anh yêu cô giáo mất rồi!". Mình ngồi im nghe anh sám hối, hình dung ra những gì sẽ đến với hai người!
     Chị yêu anh không đòi hỏi, không toan tính. Đúng hơn là chị tự đấu tranh để không đòi hỏi gì ở anh. Chị quá cô đơn và yếu đuối. Chị không thể không yêu anh. Chị cần ở anh rất nhiều, không chỉ là sự sẻ chia, niềm tin hay những chăm sóc lo toan. Chị ghen với vợ anh. Chị cũng như những người đàn bà khác khi yêu: đầy khát khao được yêu thương chiều chuộng, đầy đam mê và những ham muốn đàn bà. Nhưng chị không đủ vô tâm để cho phép mình đòi anh từ bỏ cái gì đó vì chị, càng không thể để một người phụ nữ nữa đau khổ như chị.
     Anh yêu chị trong dằn vặt, hối lỗi. Anh có lỗi với vợ vì đã san sẻ tình yêu cho chị. Anh có lỗi với chị vì không đem đến cho chị một hạnh phúc tròn vẹn. Anh biết chị khao khát được anh ôm ấp hàng đêm dù chị bảo chỉ cần nhìn thấy anh trên webcam là đủ. Ba năm anh chị không dám làm gì hơn những vòng tay ghì siết và những nụ hôn nhiều khi lẫn cả nước mắt. Tình yêu của họ hạnh phúc chen với khổ đau, yêu thương chen lẫn tủi buồn. Anh nhiều lần muốn chấm dứt để tốt cho cả hai và nhất là cho chị nhưng không được. Anh yêu chị, thương chị, muốn là bờ vai cho chị ngả vào. Còn chị thì yêu anh quá!
      Mình thân chị hơn từ khi chị quen anh và thương chị hơn theo từng nhịp yêu thương của anh chị. Anh ấy đã đành, còn chị vẫn quá trẻ đẹp và chị cần cho mình cơ hội làm lại từ đầu. Chẳng lẽ cứ yêu anh mãi thế này đến bao giờ? Hết đời này hay sao? Mình không cần nói điều ấy với anh vì anh đã quá hiểu. Mình hỏi anh: "Anh vẫn yêu chị ấy lắm à?!" Anh ừ. "Anh thương chị ấy lắm phải không?!" Anh cũng ừ. "Anh có bỏ gia đình đến với chị ấy không?" Anh bảo anh không thể. Mình nhìn thẳng vào mắt anh: "Vậy thì anh hãy buông chị ấy ra. Như thế mới là yêu là thương anh biết không? Em hiểu làm điều đó lúc này rất khó nhưng anh hãy làm ngay đi."
     Một tháng anh lên công ty mẹ Hà Nội làm việc. Mỗi khi trở về anh không dám đi qua nhà chị. Đêm anh không dám bật đèn khi online nhưng anh cứ ngồi, có lúc chỉ để nhìn nick chị sáng. Anh xót xa khi đọc tin off của chị... Còn mình thấy nhói ở tim mỗi lần bắt gặp ánh mắt thẫn thờ của chị. Ánh mắt ấy lại xa xăm như khi chưa yêu anh, nhưng hình như đau đớn hơn nhiều!
    Tối qua anh gọi: "Mai ơi anh làm thế sai hay đúng?" Mình giật mình bật ra: "Em cũng không biết". Chẳng lẽ mình đã sai rồi sao?!

Cảm giác khác phái là gì?



     Có lẽ để trả lời câu hỏi "Cảm giác khác phái là gì?", mình cần trả lời được một số câu hỏi khác trước đã:
      Đàn ông cần gì ở mình? Đúng hơn phải hỏi là: Một số người đàn ông cần gì ở mình. Bởi lẽ gần như tất cả đàn ông trên đời chẳng cần gì ở mình, trừ một vài người. Hỏi thế nào cũng khó với mình, đã sống một phần ba cuộc đời (nếu mình thọ 100 tuổi ) mình vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Đàn ông như cái giếng khơi, tuy không sâu lắm nhưng phụ nữ rơi vào rất dễ chết ngụp (vì giếng nhỏ quá không thể bơi được?!
    Bạn nam cần gì ở mình? Chia sẻ? Tâm sự? Tư vấn tâm lý tình cảm? Nếu chỉ thế có nhất thiết phải là mình, một bạn cùng phái cũng được mà?! Phải chăng đàn ông kết bạn với mình vì họ cần một chút cảm giác khác phái?!
    Sếp cần gì ở mình? Một con ong thợ cần cù, nhiệt huyết, thông minh, khéo léo và được việc? Nếu chỉ thế sao sếp không chọn một đồng nghiệp nam? Phải chăng sếp cũng cần chút cảm giác khác phái?!
    Chồng mình cần gì ở mình? Có phải một chút cảm giác khác phái như một bạn nam hay như sếp cần ở mình? Không phải một chút, mà là rất nhiều? Không phải chỉ cần cảm giác mà cần cái gì đó cụ thể hơn? Lúc nào đó anh ấy cần mình như một con thỏ nhanh nhẹn và biết chơi trốn tìm?! Lúc nào đó như một con hổ mạnh mẽ và đầy sáng tạo?! Rồi ngay sau đó lại như con mèo ngoan, yếu ớt và có bộ lông mềm mượt?!
    Vậy cảm giác khác phái là gì? Có phải là cảm giác hay hay, lạ lạ, hấp dẫn hai chiều và quyến rũ tương tác...?! Hình như không hẳn thế? Những câu hỏi trên mình đều chưa chắc câu trả lời thì sao có thể định nghĩa cảm giác khác phái là gì. Bó tay!

Ngày 7 tháng 3



Sáng:
    Mình bắt đầu một ngày mưa bằng câu status: "Mưa triền miên đến phát điên!". Chưa đầy 1p đã có hàng chục câu đáp trả kiểu như: "Điên triền miền hả?"; "Bà điên xóm tớ cứ lên cơn là cởi quần áo chạy sang hàng xóm" ... Đấy! Các thầy cô không chịu dạy dỗ chỉ mải chat chit... Sếp mình nên vứt cái wifi đi thì hơn!

    Hết tiết 2 mình bye đồng nghiệp yêu dấu, chào học trò mến thương, mình về ...đi ăn sáng. Quán hoa trong ngõ nơi mình vẫn ăn sáng nhộn nhịp hơn ngày thường. Mình bị tắc giữa rất đông khách mua hoa, thấy họ xôn xao nói về chủ đề tặng cô ngày 8.3. Chị chủ quán nhìn mình lắc đầu cười cười, may quá mình để cặp trong cốp xe, chẳng ai biết mình là cô giáo trừ chị ấy.

Trưa:
    Một tin nhắn đến: " Mình là người đứng đắn chứ có gì đâu mà bạn phải nhờ người lớn gọi điện...". Là số máy của một anh có lần gọi nhầm số cho mình. Mình không nhớ và cũng không nói quá 3 câu với ai nhầm số. Không hiểu sao anh bộ đội ấy thích kết bạn kiểu teen teen. Mình chỉ trả lời mấy tin nhắn đầu rồi bảo người đó đừng nhắn cho mình nữa, nhưng mỗi sáng anh bộ đội vẫn nhắn chúc ngày mới. Người đó còn bảo hôm nọ có việc xuống HP đã đứng bên đường nhìn sang nhà mình. Người đó khen mình xinh và đảm đang. Đúng là chị bán cháo ở An Dương rất xinh thật, lại quyến rũ nữa. Mình bảo người đó mình bán cháo dinh dưỡng ở An Dương, quên không nói rõ mình chỉ bán cháo phổi, không có nhiều món như chị ấy. Mình nhắn: "Sao anh biết cuộc gọi đó liên quan đến tôi?". "... vì người đó chỉ nói mỗi câu "anh Hoàng à?", gọi mình đúng tên mình cho bạn"... Anh ta lòi cái đuôi nói dối tên. Cuộc gọi đó chính là mình, bằng một sim rác, để check xem có phải là bạn mình đang trêu mình không.

Chiều:
    Mình cùng hai đồng nghiệp lang thang đi mua quà cho các cô giáo của con mình, cũng là đồng nghiệp cùng trường. Mình than: Sao không "gửi thư" cho nhanh, các phụ huynh toàn làm thế cả, vừa tiện vừa đỡ mất thời gian. Thậm chí chẳng cần hoa hoét gì, đưa cho con cái thư bảo nó đến gửi cô là xong.
    Hai đ/c rủ mình vào shop giày, tưởng để mua cho ai hoá ra bắt mình thử. Mình vùng vằng không vào, bảo: "Chị em thân thiết không phải thế". Lập tức nàng Hương quát: "Muộn rồi bà có nhanh lên không. Mai mà tôi phải đến là tôi vừa đi vừa chửi đấy". Ối giời! Bó toàn thân luôn. Câu chuyện ở quán hoa lại văng vẳng bên tai... Cuối cùng cũng chọn được đôi giày ưng ý, lật đế lên hơi giật mình vì giá tương đối. Kệ, mình ứ phải trả tiền hihihi. Ai bảo các nàng thích chơi đẹp thì gắng chịu.
   Gần 5h rồi. Mình lượn ra Cầu Đất, chọn được hai cái cặp tóc ưng ý cho hai mẹ. Hihi mình cứ thích mỗi khi mua gì cho hai mẹ là mua cùng loại đồ, chỉ khác phong cách. Có điều nếu được hỏi về giá của chúng, thì nói thật với mẹ đẻ và ... chưa nói thật với mẹ chồng... Xong vấn đề mua bán, mình lượn ra Salon Hậu xuống thêm vài cm tóc. Mình nhắn tin cho chồng: "Em cắt tóc chắc 6h mới về. Anh nấu cơm giúp em nhé!". Hì hôm nay là ngày 7 tháng 3 cơ mà, mấy khi được remote chồng mà không sợ về bị đòn.

Tối:
    Một tối vui với những lời chúc mừng từ học trò, bè bạn và bữa cơm ngon của chồng... Rồi một cô học trò đi vào, trên tay không phải hoa, không phải quà, chẳng phải một tấm bưu thiếp mà là một cái phong bì tặng cô. Khổ thân con bé, nó sẽ nghĩ gì về thầy cô khi tí tuổi đã phải mừng cô 8.3 kiểu ấy. Mình đút vào túi áo nó, bảo: "Con bảo mẹ là cô cảm ơn, cô tặng cho con để mua sách vở". Con bé rơm rớm mắt ngượng ngùng nói: Em bảo mẹ mua hoa nhưng mẹ em bảo bận không mua". Hai cô trò đi ra sân thì mẹ nó chạy từ cổng vào. Chị ấy bảo: " Em thông cảm chị không mua được hoa, em cầm mua hộ chị". Trời ơi! Giằng co mãi chị ấy mới chịu cầm phong bì về. Mình áy náy vì đã làm tổn thương học trò của mình, nhưng không còn cách nào tốt hơn.
     Ngày 7.3 bắt đầu và kết thúc như thế đấy. Nếu có lòng nhân ái, tin rằng người ta sẽ hiểu: rất hiếm thầy cô ghét bỏ học trò, nhất là những đứa trẻ ngây thơ, cho dù bố mẹ chúng đối xử với mình như thế nào! Mỗi năm chỉ có hai ngày kỷ niệm tôn vinh mình thôi. Nhưng 11 năm làm cô giáo mình vẫn mơ một ngày kỷ niệm chỉ có học trò, hoa và những tiếng cười trong trẻo!

15/12/12

Em đi chùa Hương

Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương
Cùng bạn bè em ... quấn đầu che mưa

Nho nhỏ cái con đò ngang
Mưa xiên buốt cả xương sườn
Quần Jeans áo len ướt
Môi em tím bầm lập bập "Nam mô..."

Đò đi qua Bến Đục
Mọi người ứ nhìn em
Nghẹn ngào em không nói
Em bây giờ ... Thôi rồi! Ba lăm...
Nhưng em vẫn còn ...hay lắm đấy anh ơi!


   Em đi Chùa Hương vào một đêm mưa gió rét. Cả đoàn co ro trong những chiếc áo mưa mỏng manh. Lần đầu tiên em đi đò. Em sợ! Lúc ấy trời còn rất tối, em chỉ nhìn thấy bóng trắng của áo mưa. Con đò nhỏ đông người cứ tròng trành trong mưa đêm.
  Tối quá em không nhìn rõ người lái đò có giọng nói trầm ấm. Anh ấy như một hướng dẫn viên du lịch hài hước và nhiệt thành. Đò nặng thế mà giọng của anh vẫn khoẻ đến tận cuối bến. Anh kể hai vợ chồng anh đều lái đò ở đây. Trong mùa lễ hội anh phải chở nhiều chuyến trong ngày, từ 4h sáng đến tối muộn, mỗi ngày như thế trung bình anh được trả 100k. (Một chuyến chở đoàn của em chủ đò thu được 1,6 triệu).


    Động Hương Tích đông nghẹt thở. Người ta đá vào gót em, giẫm lên chân em đau điếng. Người ta đẩy em đi, đủn em lại... Em không thể dừng lại để nhìn ngắm xung quanh. Em không biết trưởng đoàn dâng lễ ở đâu, chẳng thấy được động đẹp đến mức nào. Nhưng em cố chụp một cái ảnh xem sao, vì cái loa trên đầu cứ liên tục kêu "nghiêm cấm quay phim chụp ảnh".


    Em bị lạc đoàn. Cáp treo đông quá em đành một mình tha thẩn đi xuống. Rất nhiều hàng quán và những người cò hàng mời chào, chèo kéo. Chắc họ nhìn em giống một con gà tây ngây ngây. Em chưa đi Chùa Hương bao giờ nhưng những trò lừa đảo, cướp giật ở đây em đã nghe nhiều. Em thấy sợ nên bước đi nhanh hơn, mong gặp ai đó cùng đoàn. Xuống được một đoạn em gặp một chị đang bị một nhóm người vây quanh, biết ngay chị ấy đã bị vào tròng của bọn lừa đảo.
   Ở đây người ta bán dễ cây thật nhưng cướp tiền cũng thật. Người ta bảo 200k một kg. Chị ấy mua 1kg và đưa cho hắn tờ 500k. Hắn đút ngay vào túi và nói vẫn thiếu triệu rưỡi vì 2 triệu 1kg cơ. Chị ấy bảo thế thì không mua nữa, hắn bỏ đi bảo là đi lên lấy hàng. Mấy anh cùng đoàn quay lại thì bọn họ xúm vào rất đông doạ dẫm. Lúc xuống bến mới biết một chị nữa cũng bị cướp y như vậy.
   Những con người ấy nhìn mặt quê mùa, chân chất là thế. Có mấy cô trông hiền lành, đôn hậu, tầm tuổi như mẹ em. Sao các cô ấy lại làm cái việc đó ngay trên miền đất Phật?!


   Suốt mùa lễ hội, em không tìm thấy sự thanh tịnh và yên bình ở những nơi em đến. Ở đâu người ta cũng chen lấn xô đẩy. Nhạc sàn đập rầm rầm ngay trước cửa chùa... Thoát khỏi những tiếng rao bán, những trò lừa bịp trên đường lên Động Hương Tích, em thực sự tìm thấy trên dòng bến Đục một khoảng tĩnh lặng của Hương Sơn.


    Chiều quay về vẫn trên chuyến đò ấy. Khi em giơ máy ảnh lên, anh lái đò bỏ một tay chèo vuốt nhẹ mái tóc ướt mưa. Cả đoàn nói chuyện với anh suốt chặng đường nhưng không ai hỏi anh tên gì. Mọi người sẽ nhanh chóng quên anh, nhưng câu chuyện anh kể về cuộc sống của những người lái đò thì khó mà quên được.


    Mây núi nhấp nhô ẩn hiện theo nhịp chèo của anh. Anh bảo con trai anh rất thích chèo đò nhưng anh không bao giờ cho nó chạm vào tay chèo. Cuộc đời của anh chị đã đủ lắm rồi. Anh nói cười vô tư và hóm hỉnh. Con đò xuôi theo dòng bến Đục với bao tâm trạng con người. Cả đoàn đều yên lặng, ai nói gì đó cũng nói thật khẽ. Hình như không ai muốn phá vỡ không gian này?!




    Những người lái đò trên Hương Sơn phần đông là phụ nữ. Trời mưa rét là thế, gió lại ngược chiều. Vậy mà các cô các chị vẫn một mình đẩy mái chèo băng băng trên sông. Thỉnh thoảng có chiếc thuyền máy lướt qua sóng xô nghiêng cả con đò. Sao người ta lại bảo phụ nữ chân yếu tay mềm?!




    Bến Đục không còn mang vẻ hoang sơ thơ mộng của miền sơn khê. Một thị trấn sầm uất với những quán cafe, karaoke và hàng quán bên đường. Hai bên bờ kè đá thẳng tắp, những con đò đã được kim loại hoá chỉ trừ mái chèo. Em cố vay mượn cảm xúc của thi ca để mang nét Hương Sơn về nhà.


   Trời mưa quá em không cảm nhận hết được vẻ hùng vĩ và hoa lệ của chốn tiên sơn. Tuy vậy, chuyến đi đã để lại trong em nhiều cảm xúc.


   Chỉ cần search hai từ "Chùa Hương" sẽ hiện lên rất nhiều bài viết hay, rất nhiều hình ảnh đẹp. Nhưng em muốn lưu lại cảm xúc hiện hữu thật trong mình, với những bức ảnh chụp theo cách nhìn riêng của em.



    Về nhà sau một ngày dầm mưa dãi gió, em nằm bẹp mất hai ngày. Em phải lê dép đến lớp vì đầu ngón chân và cổ chân đau quá không đi nổi giày. Sao cũng là phụ nữ mà em lại chân yếu tay mềm?! 

Valentine thứ 11

    Ngày ta bắt đầu biết những đêm mất ngủ vì ai đó, Valentine còn khá lạ trên miền quê bát ngát lúa ngô của ta. Và ta sẽ chẳng bao giờ quan tâm lắm đến cái ngày có tên nước ngoài ấy, nếu nó không phải là ngày đánh dấu bước ngoặt lớn của đời ta ...


   Nó đặc biệt chẳng phải là ngày tình nhân, mà bởi nó là ngày ta "chờ mãi cuối cùng anh cũng nói". Cả một thời tuổi trẻ ta bà già đến mức không dám cho chàng trai nào nắm tay ta. Anh được ưu ái lắm mới có cơ hội bắt tay ta vài lần. Bàn tay anh ấm lắm. Vậy mà tối Valentine ấy, khi anh cầm bông hồng đưa cho ta, bàn tay anh lạnh ngắt. Như bị nhiễm virus cực mạnh, hệ điều hành của ta tê liệt hoàn toàn. Và ta bật ra một câu chẳng thể ngớ ngẩn hơn: " Anh rét lắm hay sao mà tay lạnh thế!". Mãi sau này ta mới biết anh cũng như ta: sợ quá thành ra thế.


    Thế là ta bắt đầu biết đến một tình yêu thực sự: được khóc khi chả có gì đáng khóc, được áp bàn tay anh lên má thay vì những tách trà vô cảm, ta càng giận dỗi anh càng ôm ta chặt hơn, (chứ khi ta giận dỗi với mấy đứa bạn, chúng nó chả thèm hỏi ta làm sao). Trước đó ta vẫn vắt vẻo sau xe anh nhưng chỉ dám đùa vui hay đá đểu anh, chứ ta thề là chưa bao giờ dám chạm vào anh. Ta nghe người ta nói nhiều về những nụ hôn ngọt ngào. Ta không tin, chỉ thấy kinh kinh. Nó cứ mất vệ sinh thế nào í. Anh là người đầu tiên và cuối cùng ta hôn ... tính đến thời điểm này. Mặc dù vị giác của ta bảo không hề phát hiện ra chút gờ lu cô nào nhưng cảm giác bảo rất ngọt ngào. Ừ, thật ra hôn không kinh như ta tưởng.
   Và ta cũng bắt đầu những tháng ngày điên điên của tình yêu. Cuối tuần dù nóng hay lạnh ta với anh lại vi vu ra biển, có khi chỉ để uống nước dừa và ngồi trên kè đá nghe tiếng sóng. Phong phanh trong chiếc áo gió ta vẫn ấm suốt chặng đường rét mướt. Ta cứ thích phong phanh thế để được anh lo lắng và để được anh ghì chặt hơn... Nếu đã từng đứng cùng người yêu trước biển, tin rằng ai cũng sẽ giống ta. Chiều muộn ta với anh đứng trên con đường ra Đình Vũ, nhìn những con thuyền nhỏ trôi lặng lẽ trong ráng chiều. Bình yên lắm!


   Ta đã yêu anh 10 năm rồi đấy! Ta không đếm, đúng hơn là ta không thể đếm ta với anh đã giận dỗi nhau bao nhiêu lần. Không ít đâu! Và cũng có nhiều khi ta buồn đến thẫn thờ. Sau đó ta mới ngộ ra rằng hạnh phúc của gia đình ta, không khí trong ngôi nhà của ta gần như do tâm trạng ta quyết định. Những ngày ta vui, ta dễ tính hơn một chút, dịu dàng hơn một chút, dễ thương hơn một chút... thì ta với anh sẽ được vui gấp đôi. Nó ngược lại với những ngày ta cau có, ta lầm bầm...
   Và ta thừa nhận rằng đàn ông bao dung và độ lượng hơn những người đàn bà như ta. Hơi một chút ta đã giận đã dỗi, nhưng được cái ta nhanh quên. Nên khi nào ta giận anh luôn im lặng nghe ta nói, nói hết thì ta hết giận. Anh chỉ chờ đến lúc ấy, chọc đểu ta mấy câu làm ta nổi máu tinh nghịch mà chọc lại. Thế là hết giận thôi! Anh trêu ta sao không bao giờ giận chồng bỏ về nhà ngoại. Ta chẳng dại đến thế. Ta có thể hiên ngang ra đi, nhưng nhỡ anh không đến năn nỉ ta về thì làm thế nào. Tự đi tự về thì còn gì giá trị của ta nữa.


    10 năm yêu anh, 9 năm làm vợ anh ta chưa bị ăn đòn lần nào. Đó là thành công của ta và chính là thất bại của mẹ ta (trong lĩnh vực dự đoán). Mẹ ta từng lo ta lấy chồng mỗi ngày sẽ ăn đòn ít nhất một lần. Mẹ ta toàn đoán sai về ta. Ngày xưa ta nhất định 27t mới lấy chồng mẹ lo lắm. Mẹ ta doạ: "27 thì mày già rồi. Lúc ấy nó bỏ mày ế chỏng gọng ra con ạ". Ta chẳng sợ già, đến giờ ta cũng đã già đâu. Trên mặt ta chưa hề có nếp nhăn nào. Ừ, trên mặt thì ta chắc chắn là chưa có nếp nhăn nào.
    Nhưng càng đến cuối tuổi cưới đẹp ta càng suy nghĩ ghê lắm, cuối cùng ta quyết định ăn muối ... vì sợ bị ươn. Mợ ta bảo: "Nếu cho chọn lại chắc chỉ có cái Mai nó vẫn chọn chồng nó". Những lúc ấy ta thấy tự hào lắm lắm. May mà ta ngoan, biết nghe lời mẹ doạ!
 

Ba ngày em xa chồng


   Em xa chồng vài lần rồi nhưng chưa bao giờ lâu như lần này, ba ngày ba đêm. Chả biết những người phụ nữ khác xa chồng thấy thế nào, chứ em thì cứ chơi vơi ... chơi vơi ...
   Ngày thứ nhất: Cảm giác hơi hẫng nhưng em quyết không gọi, không nhắn tin. (Giờ mà em vẫn kiêu đấy hihihi). Đêm anh nhắn "Anh đang ở khách sạn nhưng không ngủ được". Tin nhắn trả lời đầy vô cảm: "Anh làm em tỉnh giấc đấy! Anh không ngủ được chắc vì lạ người, à quên, lạ giường". Nhắn xong em tiếp tục nghiền phim. Hơn 2h em đã ngủ được đâu. Cố mãi đến 3h mới mơ màng thì em lại chìm vào những giấc mơ miên man.
   Khi đi anh dặn: "Tối em nhớ lên kiểm tra cửa rồi hãy ngủ nhé!". Biết là anh chọc đểu nhưng em vẫn vâng dạ ra điều ngoan lắm. Tối anh không có nhà đến tầng hai em còn chẳng dám lên. Lạ thật, ở nhà anh còn sợ em. Thế mà anh đi, con gián chạy qua em cũng giật mình. Chập tối em khóa cổng khóa cửa nhưng vẫn không yên tâm. Bọn cướp của giết người em không sợ. Nhưng gần đây nghe nói có nhiều kẻ cướp của hiếp người.
    Ngày thứ hai: Sáng nay em được nghỉ, em vào mạng lang thang xem xe máy. Mình đã bàn nhau tháng tới mua xe mới thay cho cái Nouvo uống xăng giải khát kia. Em lang thang ... lang thang mãi. Cuối cùng em quyết định sẽ tạo bất ngờ cho anh.
   Em đi mua xe...
   Định mua xe máy mà không hiểu thế nào em lạc vào một showroom toàn ô tô. Bà bán hàng đon đả chào mời, show hàng rất nhiệt tình. Bà này em ngờ ngợ giống bà bán hoa quả ở cổng chợ! Em bảo không đủ tiền, bà ta gạ em trả góp. Bà ta khuyên em rằng nên mua ô tô, rằng những loại xe phải đội mũ bảo hiểm với mặc áo mưa thì chẳng có gì là đẳng cấp cả.
   Cuối cùng em quyết định trở về nhà cùng chiếc mui trần trắng tinh khiết. Trời mưa em chả cần mái che vẫn lướt bay bay. Đang vi vu em gặp Huyền, nó bảo: "Chị không hỏi ý kiến anh ấy trước à?". Ừ nhỉ! Về thể nào cũng bị anh mắng. Mải nghĩ đến ngày mai, em đâm sầm vào cổng nhà. Giật mình! Tay vẫn để trên bàn phím.
    May quá! Chỉ là mơ. Mai em sẽ không bị anh mắng.

Nhật ký đón Tết



Ngày 24 Tết
   Trường em rộn ràng không khí ...nghỉ Tết. Cô dạy và trò học trong tâm trạng háo hức chờ ngày mai. Chỉ có thầy hiệu trưởng và cô kế toán là hì hục ...tính toán, cân đo. Trông thầy hiệu trưởng rất có vẻ suy nghĩ, còn cô kế toán thì hình như hơi bị căng.
 
Ngày 25 Tết
   Sáng: 8h chị dâu gọi điện rủ đi chợ, lúc ấy em mới mở mắt. Sáng nay thì em không thể đi được vì phải tất niên ở nhà cùng mấy đồng nghiệp. Ăn, uống, hát ca... đến 2h thì chúng em hành quân lên trường.
Chiều: Em diện cái áo mới em ủ từ thứ Bảy. Có áo mới mà phải đợi nửa tuần mới được mặc, anh không hiểu cảm giác khổ như thế nào đâu. Cuối chiều em háo hức về nhà khoe với anh, em được 750k tiền Tết. Anh cười: Em chưa về anh cứ lo em bị cướp!
 
Ngày 26 Tết
    Sáng: 8h ba mẹ con vẫn còn trên giường, sung sướng thật anh ạ! Ăn sáng những ngày này không còn quan trọng nữa, chủ yếu là thư giãn và chuẩn bị Tết. 10h em về nội, hai bố con thảo luận nhanh rồi em đi chợ mua đồ chiều giỗ ông.
   Chiều: Bố chiến đấu với 3 chú gà, còn em thì đủ các thể loại. Chỉ có hai bố con bảo nhau làm thôi, 5 thanh niên khỏe mạnh thì vẫn được đi làm. Cuối cùng đến 5h chiều cũng được 6 mâm cỗ. Em trông thế mà đảm đang ghê cơ!

Ngày 27 Tết
   Sáng: Lại 8h em mới dậy, lùa lũ trẻ vào ông bà nội. Bố, em và em trai anh, ba bố con gói bánh chưng. Chú em chịu khó 10h tối qua mới từ HN về, gói bánh xong chiều lại phải đi. Sáu đứa nhỏ quây quanh xếp lá giúp ông. Chúng xếp thì ít mà phá thì nhiều. Em gói cũng vuông thành sắc cạnh lắm đấy hihihi.
Dù bận thế nào bố cũng gói bánh sau ngày giỗ ông. Đó như là truyền thống đón Tết của gia đình. Nhìn bọn trẻ tíu tít người lớn cũng vui. Tiếc cho anh mải công việc mà bỏ qua những lúc như thế!
   Chiều: Em bắt đầu chiến dịch dọn nhà. Từ 2h đến 5h em giải quyết xong phòng khách. Từ 7h thì có anh cùng tác chiến nên tình hình hình tiến triển tốt hơn. 10h em nhường cho anh nhiệm vụ thiêng liêng cao cả là ... ru con ngủ. Lúc đầu anh làm nhiệm vụ chưa tốt, con bé khóc đòi theo mẹ. Em tư vấn: "Anh phải làm trò giống em làm thì con bé mới theo". Anh nhăn nhó: "Làm giống ngáo ộp thế thì anh làm thế nào được". Ơ! Mình đã mệt lại còn bị chọc, bực quá nên đá lại: "Nhưng mà làm kiểu như anh thì con bé không dám theo". Cuối cùng thì 1h đêm em mới xong phòng bếp. (Em nói nhỏ không mọi người lại bảo: Dọn nhà khổ thế thì chắc ngày thường em ở bẩn)
 
Ngày 28 Tết
    Sáng: Đến giờ này cả nhà đều đã nghỉ. Mọi thứ chuẩn bị cho Tết cũng ok rồi. Cây đào nhà mình nở hơi bị nhiệt tình, có lẽ vì trồng vào chậu hơi sớm. 9h cả nhà lên xe rồng rắn về ngoại cúng tất niên và chúc Tết họ hàng. Mưa quá là mưa!
    Chiều: Anh tiếp tục dọn các phòng còn lại và em chúc Tết các sếp. Tối em định đi chúc Tết các bạn blog thì tất cả những trang nào có chữ yahoo đều từ chối em. Bất lực hoàn toàn em đành ngậm ngùi đi ngủ.

Ngày 29 Tết
    Sáng: Em đi bộ ra chợ mua hoa lễ bày ban thờ và cúng đêm giao thừa. Chợ đông thế mà các chị bán hàng vẫn nhận ra sự kiện lạ, trêu em: Hôm nay mưa là tại cô đấy nhá! 10h cô em chồng gọi rủ vào siêu thị. Em chợt nhớ hôm qua em mua 5 quả bưởi, thế là em qua siêu thị mua muối ớt.
   Chiều: Em lượn qua quán hoa. Đẹp thật đấy nhưng em chỉ mua đủ cắm hai lọ thui. Xử lý xong hai lọ hoa, cả nhà lại vào nội cúng tất niên.
   
   Và bây giờ, chỉ còn hơn 3 tiếng nữa là sang năm mới. Mâm cỗ cúng giao thừa đã tạm ổn, chỉ chờ nồi chè sen nữa thôi. Em ngồi xem Gặp nhau cuối năm và ... vào blog. Hihihi đường làng rộng thênh thang, chắc chẳng có ai vào blog như em lúc này!

Mùa đông trong nhà



   Chiều không bên anh, em đi trong mưa lạnh cuối đông. Gió dật dờ lật tung chiếc khăn len trên ngực. Cái lạnh hình như đang ngấm vào da thịt em. Lướt qua quán cafe em thèm một ly thật nóng. Thèm không phải để uống, mà để ôm hai bàn tay vào ly rồi áp lên má. Ấm lắm đấy! Nhưng em thèm thế thôi, chứ em biết hơi ấm ấy không giống hơi ấm từ bàn tay anh.
   Em định tranh thủ mua thêm đồ Tết. Nhưng cảm giác thèm đó cộng với làn mưa lạnh đã kéo em về nhà sớm hơn. Gần tiếng nữa anh mới về, vẫn kịp thời gian cho em chuẩn bị bữa tối. Nhà mình chỉ tối mới được ăn cùng nhau nên đó là khoảng thời gian em chờ đợi nhất. Bước vào nhà, sau khi để cặp xuống thể nào anh cũng đi ngay vào bếp, khi đó chỉ có thể hoặc là ôm em từ phía sau hoặc là nếm thử cái gì đó. Thường thì anh trêu em trước rồi mới ăn, nhưng hôm nào có món đúng sở thích thì anh ...bỏ giai đoạn . Khi ấy em hơi buồn vì anh mải ăn mà quên mất em, nhưng rồi em lại tự an ủi: tại anh ấy thích món mình nấu quá đấy thôi!
   Gọi là bữa tối cho long trọng, chứ kế hoạch của em tối nay chỉ là một chảo cơm rang hihihi. Sau 15 phút rửa, gọt, thái, băm ... em đã có đủ các thứ cần thiết cho một chảo cơm mà em tin cả nhà mình sẽ thích. Người ta có cơm ngũ sắc nhưng em rang lại thành lục sắc, bởi lẽ có thêm sắc của cơm ...cháy. Em thích chờ cơm hơi sém một chút mới đảo, để thỉnh thoảng có một miếng cháy mỏng mỏng. Ngày nhỏ, cu Đăng hay ghé vào tai bố mẹ nhai dòn dòn khoái chí. Bây giờ đến con bé con, hễ gặp được miếng cháy con bé lại gọi: "Bố ơi! Mẹ ơi! Đăng ơi!". Khi cả nhà nhà tập trung chú ý, con bé nhai cộc cộc rồi cười sung sướng. Thế là em vui!
   Có bàn tay anh, có tiếng cười của con bé, mùa đông trong nhà mình không lạnh!

Entry chưa thể đặt tên

   Tôi gặp lại chị trên góc đường chờ xe buýt, vẫn với người đàn ông đứng cùng chị cách đây một năm. Thấy tôi, chị vội quay đi. Người đàn ông hình như không nhận ra tôi nên nhìn theo. Họ có vẻ tiều tụy hơn năm trước.
   Chị là mẹ học trò của tôi - cô học trò đã giấu mẹ nộp tiền may đồng phục bằng tiền mừng tuổi, khi em biết mẹ không có tiền. Mới về trường tôi đã ấn tượng với em bởi nét mặt buồn, không vui tươi tinh nghịch như lứa tuổi của em. "Bố nó chết sớm. Mẹ nó bỏ về nhà đẻ, chỉ theo trai thôi chả để ý gì đến nó", đó là lời bà nội của em.
   Năm ngoái HP có 30 học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó. Học trò nghèo nhiều lắm nên những trường hợp đặc biệt nhất và xuất sắc nhất mới được xét. Tuy vậy nhưng trong tôi có một chút tham lam, ích kỷ cộng thêm chút vô tâm ... nên tôi đã viết đơn rất tâm huyết, quyết giành cho học trò của tôi một suất. (Vô tâm là bởi nếu học trò của tôi được thì sẽ có một học trò khác không được).
   Tôi gọi điện cho chị hỏi chi tiết về gia đình. Chị bảo chị bị bệnh nặng, hiện đang yếu lắm nhưng vẫn nhất định đến trường gặp tôi. Và 15 phút sau chúng tôi bắt đầu một câu chuyện dài.
   Chị không biết chồng chị nghiện cho đến ngày anh sốc thuốc chết, khi ấy con gái duy nhất của anh chị mới 19 tháng. Con chị không biết uống sữa, bởi lương công nhân may hồi ấy chỉ đủ cho hai mẹ con sống khổ sở. Giá như cuộc đời cứ như thế với chị thì còn an ủi biết bao. Sáu năm sau khi ốm nặng quá phải vào viện, chị mới biết mình bị AIDS. Chị yếu dần và rồi không thể đi làm nữa, khốn khó càng khốn khó hơn. Nhưng chị vẫn đóng đủ tiền học cho con vì không muốn ai biết chị bị bệnh AIDS. Những đồng tiền ấy chị có được sau những tối đứng đường đón khách. Nhìn chị, tôi hiểu rằng kiếm tiền bằng cách đó với chị chắc rất khó khăn, bởi chị không có sắc đẹp, không có sức khỏe, không có cả cách làm cho mình hấp dẫn hơn...
    Nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt héo hon của chị. Tôi vẫn là người biết cách chia sẻ vậy mà lúc ấy nói một câu an ủi chị thật khó. Và rồi chị gặp người đàn ông ấy, người đứng chờ xe cùng chị sáng nay. Và từ đó, chị "theo trai" bỏ đứa con gái ở lại với bà nội. Nhắc đến người ấy, có cái gì ánh lên trong đôi mắt mệt mỏi thẫn thờ của chị. "Lúc đầu em cũng chỉ cặp để lấy tiền nuôi con, nhưng càng ngày em càng biết ơn anh ấy". Anh ấy cho chị tiền nuôi con và không chỉ có thế. Chị đi làm cùng anh, mỗi đợt nhập viện chị không còn một mình nữa...
   Tôi không biết chắc trong ánh mắt đó có tình yêu không. Nhưng tôi thấy ánh nhìn ấm áp hơn trong mắt chị. Và có chút gì giống ánh mắt chị nhìn tôi trong lần gặp cuối cùng, khi con chị đứng trên sân khấu nhận học bổng. Chị giơ tay ra nhưng vội rụt lại. Có lẽ chị muốn nắm tay tôi nhưng chị ngại. Tôi cầm bàn tay xương gầy của chị, khuyên chị năm học tới nên nộp đơn xin miễn giảm, tiền đóng học để dành cho con, phòng khi chị ốm không lo được cho cháu.
    Tôi không chắc lý do sáng nay chị quay đi, không muốn tôi nhìn thấy chị. Nhưng tôi mừng vì con gái chị vẫn chăm ngoan học giỏi và mừng vì người đàn ông ấy vẫn cùng chị chờ xe buýt!

Đối lập bên nhau Hà Nội - Hải Phòng



    Với tôi, đến Hà Nội mỗi lần đều như trở về. Dù nơi ấy không phải nơi tôi sinh. Dù nơi ấy không phải nơi tôi lớn lên. Và tôi chưa thực sự biết sống như một người Hà Nội.


    Sáng chớm đông, những làn mưa lun phun đem cái se lạnh theo tôi vào phố. Những con phố vẫn quen thuộc dù đã lâu lắm tôi không đi qua. Vẫn rất mới những chiều đạp xe vù vù trên đường Bưởi. Chùm dâu da xanh ở dốc đường hồi ấy như vẫn chua chua trong miệng tôi.
    Mùi hoa sữa không còn làm tôi khó ngủ, nhưng vẫn phả vào tôi những xúc cảm rất sâu. Loài hoa ấy tôi đã yêu từ khi bắt đầu biết nghe nhạc, biết đọc thơ. Cứ ngỡ hoa sữa cũng trắng xanh và thơm ngọt như giàn dạ hương đầu ngõ. Hoá ra đó chính là những cây hoa rất to trong công viên gần cổng trường, mà tôi vẫn khó chịu khi chúng toả hương mỗi độ thu. Bạn tôi bảo hoa sữa phải ngửi về đêm mới tuyệt. Tôi bẻ trộm một cành về treo bên cửa sổ, nhưng tôi đã không chịu nổi mùi hương của nó. Bạn tôi ngặt nghẽo cười khi nghe tôi than thở...
Chỉ đến khi biết yêu, tôi mới thực sự biết yêu hoa sữa.



     Tôi ngỡ ngàng bắt gặp một cô gái đạp xe mipha trên phố, như thấy lại Hà Nội của thời tôi 18 tuổi. Chỉ khác là cô gái có đeo iphone. Chỉ cần theo sau cô gái ấy một đoạn đường ngắn, tôi tin chắc rằng ai cũng sẽ hiểu: sao người ta lại nhớ nhiều đến những người con gái Hà Thành. Hà Nội trong tôi như một thiếu nữ xinh đẹp, một vẻ đẹp kiêu sa và quá đỗi thánh thiện...
Ấy là tôi nhìn Hà Nội qua bạn tôi, một cô gái Hà Nội đúng là Hà Nội.



    Tôi vội vã đi tìm nửa đối lập của tôi, chính là một nửa mà đến giờ tôi vẫn thiếu. Gần hai mươi năm chúng tôi cứ đối lập bên nhau, một Hà Nội - một Hải Phòng. Giọng của tôi như tiếng sóng biển chiều muộn. Trong khi giọng cô ấy ngọt như chiếc bánh rán cô ấy làm cho tôi ăn. Ngày ấy tôi chỉ biết ăn, chứ chưa biết trộn bột như thế nào. Nhìn đôi tay cô ấy nhào bột mà thèm: Thèm bánh rán, thèm được khéo léo đảm đang như cô ấy, và thèm cả nước da trắng đến tinh khiết, nước da mà những người sinh ra và lớn lên ở biển như tôi ít người có được.


    Bốn năm cấp II tôi được học hết quyển Tiếng Anh lớp 6, còn bạn tôi học 4 quyển. Chúng tôi gặp nhau khi vào trung học. Ngay tiết Tiếng Anh đầu tiên tôi đã choáng, ngưỡng mộ cô ấy vô cùng và cũng tủi thân không ít. Tôi loay hoay không biết mình phải học như thế nào. Tôi hỏi cô ấy rất nhiều mới làm được những bài kiểm tra đầu tiên. Đến một lần cô ấy bảo: "Bạn hỏi ít thôi. Tớ còn phải làm bài chứ". Tôi cứ rơm rớm nước mắt suốt giờ kiểm tra hôm ấy. Và tôi biết mình phải làm gì... Chính từ câu nói ấy mà học kỳ sau tôi đã đạt điểm giỏi. Và thế là tôi mê Tiếng Anh, bỏ cả ước mơ trở thành sinh viên trường Luật.


    Chúng tôi lại gặp nhau sau những bộn bề. Cô ấy luôn ngọt ngào và lắng sâu như hoa sữa, còn tôi vẫn mang cái mằn mặn, nồng nồng của gió biển. Chúng tôi vẫn đối lập bên nhau, một Hà Nội - một Hải Phòng!

Đơn giản

Những ngày bận rộn nối nhau...
 
... liên tiếp...
 
Là phụ nữ, dường như ai cũng xoay trong vòng tròn 24 tiếng. Mỗi ngày một vòng như thế có lẽ đã đủ rã rời. Công việc đầy áp lực, gia đình đầy trách nhiệm, lo toan...

Cuộc sống nếu cứ thế trôi đi, sẽ không còn lúc nào nhớ đến bản thân mình.

Vô cảm mất?!

Có lúc nào rảnh chút chỉ muốn viết cái gì đó, gì cũng được, đơn giản chỉ để thả lòng...

Suy tư ...

Chiều tan trường về, muốn nằm nghe một bản nhạc hay, chơi đùa với mấy đứa nhỏ...
 
Nằm trên giường nhà mình, chân gác lên tường, nghe list nhạc mình thích, xem mấy bố con nô nhau...
Chỉ cần thế thôi đã thấy bình yên, hạnh phúc...

Đơn giản thật!

Em ân hận vì đã yêu anh ... quá muộn!


    Đời người phụ nữ có khi nào phải ân hận với quyết định của mình không anh? Nhiều chứ anh nhỉ?! Em cũng là một phụ nữ đấy, lại là một phụ nữ rất bình thường. Mọi thứ của em cùng lắm cũng chỉ kha khá. Thế nên chuyện em ân hận gì đó có lẽ cũng hết sức bình thường.
   Cái lần thăm anh ở viện như một con dấu chứng thực về mối quan hệ của hai đứa mình. Hồi đó em đâu biết huyệt nào ở chỗ nào, thấy anh kêu đau đầu thì cũng liều xoa xoa bóp bóp. Ơ thế mà anh khỏi đau đầu thật. (Em đoán thế vì thấy da mặt anh bớt nhàu hơn hẳn). Cả buổi anh nói có vài câu, nhưng chỉ cần thế em cũng nhận ra anh là người quá tính toán và keo kiệt. Thay vì nói những lời cảm động, biết ơn... thì anh bảo: Tay em nhỏ, sau này mua nhẫn cưới chắc không tốn tiền.
    Ra viện, một tuần anh gọi cổng nhà em ít nhất 7 lần. Khó chịu vô cùng vì cái kiểu tiếp khách thay chủ nhà của anh. Bạn trai đến chơi thì anh rót nước mời, họ về thì anh tiễn ra cổng. Dần dần chẳng còn chàng nào thèm đến nhà em nữa. Anh ngồi chờ em dạy thêm. Anh ngồi chờ em soạn bài. Anh ngồi chờ em ...xem Ti vi. Anh ngồi rảnh rỗi nên uống nhiều nước. Em không tính nổi đã tốn bao nhiêu nước cho anh uống nữa. Em bắt đầu ân hận vì đã bấm huyệt cho anh, có khi em bấm nhầm vào cái huyệt lì của anh mất rồi.
Mấy tháng đầu em hoan hỉ vì mình có một fan cuồng nhiệt. Mấy tháng sau em bắt đầu thấy ghét, cười cũng kém nhiệt tình . May quá, lại đúng lúc cơ quan anh nhiều việc lu bù, tối toàn 9, 10 giờ mới về. Em sung sướng hoan ca trong bụng...

Một ngày không thấy anh ... Em thanh thản vô cùng.
Một tuần không thấy anh ... Mẹ em mấy ngày mới phải nấu nước. Bà bắt đầu hỏi han: "Sao tuần nay nó không đến? Hay nó chán mày rồi hả con?". Em cười: "Anh ấy chán, con biết ơn."...
Ngày thứ 8 anh không đến... Em nghĩ có thể anh phải làm thêm.
Ngày thứ 9 anh không đến... Em băn khoăn chả lẽ ngày nào anh cũng về 10h hay sao.
Ngày thứ 10 anh không đến... Em lo lắng chắc là anh thấy em cứ tỉnh khô nên nản.
Ngày thứ 11 anh không đến... Mẹ em bảo: "Mày cứ ngúng nguẩy thế nó chán là phải. Mày chê nó thì có mà yêu chó". Mẹ thật là, em đã sốt hết cả ruột lên mẹ lại còn bỏ thêm lửa.
Ngày thứ 12 anh không đến... Em thấy trong người bứt rứt quá. Anh đang làm gì? Hay đang ... uống nước ở nhà ai?
Ngày thứ 13 anh không đến... Em được một anh bạn khen là hiền hơn hẳn, vì không thấy em đá đểu như em vẫn thế.
Ngày thứ 14 anh không đến... Em xem hết tập phim nhưng rùi ngớ ra khi thằng em trai hỏi: Phim gì đấy chị?
Ngày thứ 15 thì anh đến... Em cười với anh. Anh nhìn xoáy vào mắt em, cười tinh quái. Thôi chết rồi! Em chợt hiểu ra em đã bị anh lừa một cách bài bản.
   Em với anh không ai kém đểu hơn ai nên cứ đá qua đá lại. Một năm ... hai năm ... rồi ba năm ... Em tặc lưỡi: Thôi, yêu thì yêu! Em đã quá hiểu về anh và anh cũng vậy. Nhưng rồi em bắt đầu do dự với quyết định có cưới anh hay không. Em e là anh không biết làm một người đàn ông trong nhà. Nhà em có cái bóng đèn cứ chập chờn mà không thấy anh đề cập gì đến. Em toàn phải bật bóng đèn nhỏ, nhìn không rõ con ruồi.
    Nói thì nói thế nhưng có bỏ anh được đâu. Em vốn dễ xúc động, thấy anh tâm huyết quá em cũng mủi lòng, lại thêm cậu em bảo: Cỡ như mày lấy được nó quá là vớ được cục vàng. Hơ, vàng đâu không thấy, chỉ thấy cục thịt 70kg, giá mà là vàng thì em đã lấy từ lâu rồi.
Ừ, cưới thì cưới.
    Thế mà! Chỉ mới cưới được một ngày em đã nhận được ngay một điều cay đắng. Anh hỏi: "Em có biết tại sao anh không sửa bóng đèn cho nhà em không?" Em còn chưa kịp mở miệng anh đã bảo: "Vì em hợp với ánh sáng không nhìn rõ con ruồi, khi ấy nhìn em rất xinh".
    Lòng kiêu hãnh trong em bị tổn thương kinh khủng. Không phải vì bị anh chê xấu mà vì em đã hiểu quá đơn giản về anh. Nhưng em vốn dĩ là một phụ nữ tốt nên dù thế nào cũng quyết: đã lấy chồng thì hết lòng vì chồng. Em bắt đầu học thêm nấu ăn, quyết tâm cho anh thấy rằng chẳng có cơm ở đâu ngon bằng cơm em nấu.
   Năm thứ nhất, mỗi chiều về nhà anh lao ngay vào bếp choàng tay ôm em từ phía sau, hít hà tấm tắc rồi nhặt rau, bóc hành giúp vợ...
Từ năm thứ hai, mỗi chiều về nhà anh cũng lao ngay vào bếp ... nhưng ... là để mở lồng bàn kiểm tra các món em nấu. Em hơi buồn nhưng cũng vẫn cười. Thấy anh thích thú với những món em làm là em mãn nguyện lắm rồi. Từ ngày lấy anh, chưa bao giờ em thấy anh chê.
_ Anh thấy ngon không?
_ Ngon lắm. Em nấu cái gì cũng ngon.
Em sung sướng nhìn chồng, nhưng tính vốn cẩn thận nên em hỏi thêm một câu cho chắc:
_ Hình như hơi mặn anh nhỉ?!
_ Em nấu như thế nào với anh cũng ngon.
Ối! Mặt em rát như bị xát ớt. Sao em toàn bị anh lừa ngoạn mục thế này! Nếu yêu anh sớm hơn thì em có nhiều thời gian để hiểu anh, chắc đã không bị anh lừa nhiều đến thế.
Em ân hận vì đã yêu anh... quá muộn!


14/12/12

Mùa thu trong lớp



   Thế là em lại bắt đầu một năm học nữa. Cảm giác vẫn tươi mới như ngày đầu anh ạ. Các chị bảo: Mày vẫn hớn hở như trẻ con thế à! Hihi. Vâng, em thì cứ thế đấy! Háo hức có khi hơn cả học trò của mình.


    Mùa hè với em dài gấp vài lần bởi em chỉ mong đến ngày được thấy lũ học trò tinh nghịch. Nhớ lắm những tiếng chào từ bốn phía làm em giật mình, khi chúng phát hiện ra em trong sân trường. Nhớ cả những cậu học trò bướng bỉnh hay bị bạn tố giác. Không biết sau mấy tháng hè chúng đã "người lớn" hơn nhiều chưa, liệu còn bị cô mắng nữa không. Khì khì ... cô giáo thì không được mắng học trò nhỉ? Nhưng mà em vẫn mắng học trò của em đấy. Tại nhiều lúc chúng chưa ngoan mà em thì luôn muốn chúng ngoan hơn, chăm học hơn. Em kỳ vọng ở chúng như kỳ vọng vào những đứa con của mình.


    Thu mới vừa sang nên lá chưa kịp vàng, chỉ có bầu trời là trong xanh hơn. Thu thật nhẹ len vào lớp học, mùi hoa cau làm em bất giác lơ đãng. Không gian này, mùi thơm này đã quá quen với em sao em vẫn thấy xốn xang. Chợt giật mình khi bắt gặp 30 cặp mắt học trò nhìn cô chờ đợi. Cô giáo như em thật đáng phê bình quá! Ai bảo trời thu cứ trong xanh thế kia!


    Chiều chưa kịp xuống nắng đã soi nghiêng vào lớp học. Mấy đứa ngồi cạnh cửa sổ không còn thưa cô đòi kéo rèm tránh nắng. Nắng thu cứ thoả sức trải vàng suốt hành lang, tràn lên trang sách. Nắng thu đậu trên vai áo học trò tinh khôi... Em chợt thấy cả một bầu trời thu trong mắt học trò. Em ngoái nhìn qua cửa sổ, về khung trời phía Tây. Cho dù những đám mây kia có đổi thành hình gì chăng nữa em vẫn nhận ra chúng. Bởi đó là khung trời của em!



    Heo may chưa kịp chạm môi em! Gió chỉ mới lật nhẹ vài trang vở em đã thấy se se. Tâm hồn quá nhạy cảm của em dường như đang bắt đầu dịu dàng hơn. Em ngồi xuống bên cậu học trò lười biếng, kiên nhẫn nhắc lại những điều em vừa dạy. Cậu bé bắt đầu cầm bút, viết rất chậm những câu quen thuộc. "Tốt lắm! Chỉ cần chú ý thêm chút nữa em sẽ làm được như các bạn". Em nhìn vào mắt cậu bé, thấy nơi ấy ánh lên niềm vui.


    Vệt nắng cắt đôi những dòng chữ của em trên bảng. Một học trò phát hiện rằng cứ bao giờ vệt nắng ấy chạm tới dòng ghi thứ ngày tháng thì hết giờ. Em để ý thấy đúng thế thật. Nắng nhạt lắm rồi! Chắc chỉ vài phút nữa là cô trò chúng em tạm biệt không gian này trở về nhà. "Các em sẽ làm gì khi về nhà?". Học trò lao xao: Có đứa bảo sẽ xem hoạt hình, có đứa đi học thêm, có đứa trông em, có đứa còn bảo sẽ ra công viên đạp xe
... Còn em, chắc là sẽ rẽ qua chợ mua đồ ăn trước khi về nhà, sẽ lại nấu một bữa cơm ngon cho anh.


    Thoát khỏi cổng trường chật cứng người xe, em bắt gặp mùa thu tràn ngập đường về. Thu trên những xe nhãn hai bên đường vào chợ. Thu trên những thúng ổi thơm phức. Thu trên những mâm cốm xanh non. Ơ, sao vẫn còn hoa thiên lý. Giờ ra chơi em đã định tối nay nấu một món canh mùa thu anh thích. Nhưng thôi em sẽ nấu canh thiên lý cuối mùa, nếu không lại hè sau mới có. Còn mùa thu thì chỉ mới bắt đầu!